Kết quả Chiến_dịch_giải_phóng_Taman

Bảo tàng ngoài trời Temryuk, nơi lưu giữ một số hiện vật của quân đội Liên Xô trong Chiến dịch giải phóng Taman và Kavkaz 1943

Sau một năm chiếm đóng phần lớn đất đai, ngày 9 tháng 10 năm 1943, vùng Bắc Kavkaz sạch bóng quân đội Đức Quốc xã, ngoại trừ những tù binh Đức bị bắt. Những loạt súng nổ cuối cùng cũng đã lặng hẳn trên bán đảo Taman, đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của Chiến dịch Hoa nhung tuyết do Adolf Hitler và các cộng sự của ông ta hoạch định và thực hiện. Chỉ trong tháng cuối cùng, tháng diễn ra chiến dịch giải phóng Taman, quân đội Đức Quốc xã đã gánh chịu những thất bại nặng nề không kém đối thủ của họ trong giai đoạn khởi đầu Chiến dịch Kavkaz. Phía Liên Xô cho biết họ đã loại khỏi vòng chiến đấu 58.000 sĩ quan và binh sĩ Đức Quốc xã, trong đó có 36.000 chết, 22.000 bị thương và bị bắt. Quân đội Liên Xô thu giữ 32 xe tăng, 337 khẩu pháo, 229 khẩu súng cối, 540 súng chống tăng, 83 máy kéo, 2.073 ô tô, 184 kho tàng quân trang, quân dụng. Tuy nhiên, cũng như Chiến dịch phản công Salsk-Rostov của Phương diện quân Nam, Phương diện quân Bắc Kavkaz cũng không thực hiện được việc bao vây và bắt toàn bộ Tập đoàn quân 17 (Đức) tại Taman làm tù binh, hơn nửa quân số của đạo quân này đã trốn thoát sang bán đảo Krym.[1]

Trước khi rút chạy, quân đội Đức Quốc xã đã để lại ở Taman nhiều bãi mìn với một khối lượng chất nổ khổng lồ. Một tháng sau khi kết thúc chiến dịch, công binh Liên Xô đã tháo gỡ 200.000 quả mìn chống tăng, mìn sát thương bộ binh, vô hiệu hóa 5.000 quả mìn nổ chậm với thời gian trễ từ 30 phút đến 6 giờ,. 1.200 kg thuốc nổ cũng được phát hiện và vô hiệu hóa trong các tòa nhà dùng làm nơi nghỉ mát của các sĩ quan cao cấp Đức Quốc xã tại Anapa. Hai khối chất nổ nặng 300 kg và 450 kg cũng bị công binh Liên Xô phát hiện và vô hiệu hóa trong các mỏ đá ở Nizhni Bakansky. Nhiều quả mìn nổ chậm được chôn sâu dưới đất đến 1 m phải mất hàng tuần sau mới phát nổ. Các thành phố và thị trấn trong vùng chiến sự đều bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, các thành phố Novorossiysk và Temryuk hầu như không còn một toà nhà nào nguyên vẹn. Các thị trấn Kievskoye, Varenikovskaya, Moldavanskaya và Krymsk chỉ còn lại những đống đổ nát.[2]

"Phòng tuyến xanh" của quân đội Đức Quốc xã trên bán đảo Taman thất thủ đánh dấu một thất bại nặng về chiến lược của họ. Việc lưu giữ cả một tập đoàn quân tại một địa bàn mà trước đó, cả hai tập đoàn quân hùng mạnh cộng với hai quân đoàn Italia và Romania đã không thể giành được thắng lợi là một việc làm vô ích. Taman nuốt vào lòng nó những đơn vị quân Đức khá tinh nhuệ rất cần có mặt tại các hướng chiến lược quan trọng hơn đối với quân đội Đức Quốc xã trên mặt trận Xô-Đức trong khi lực lượng dự bị của họ ngày càng cạn kiệt. Nó cũng thể hiện sự cố chấp của Hitler đối với chủ trương đánh chiếm vùng Kavkaz mà các tướng lĩnh Đức Quốc xã cũng phê phán đó là một chủ trương phiêu lưu và sai lầm. Nếu như thất bại của quân đội Đức Quốc xã tại trận Kursk đánh dấu sự bắt đầu xuống dốc của quân đội Đức Quốc xã thì kết quả Chiến dịch Taman đã kiểm chứng việc đó. Quân đội Đức ở mặt trận phía Đông có thể phục hồi sau hai trận thua lớn tại ngoại vi Moskva và Stalingrad, nhưng sau trận Kursk thì không thể.[13]

Chiến dịch Taman để lại nhiều bài học của cả thành công và thất bại đối với quân đội Liên Xô. Tại chiến dịch Taman lần thứ nhất, sự phối hợp lỏng lẻo giữa lục quân và hải quân cũng như tính tùy tiện của các sĩ quan chỉ huy cao cấp cũng như các tư lệnh chiến trường đã để lại những hậu quả tệ hại. Việc chuẩn bị không chu đáo và không lường trước được các tình huống phức tạp khiến cho cuộc tiến công của quân đội Liên Xô ngay từ đầu đã diễn ra trong sự lúng túng. Việc chậm phát hiện cụ thể những chiến thuật và cấu trúc phòng thủ mới của quân đội Đức Quốc xã tại "Phòng tuyến xanh" cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của quân đội Liên Xô trong Chiến dịch Taman lần thứ nhất. Sau năm tháng, những khuyết nhược điểm này đã được "mổ xẻ" kỹ lưỡng để Phương diện quân Bắc Kavkaz và Hạm đội Biển đen có được một kế hoạch phối hợp hiệp đồng chặt chẽ hơn, sự tương tác hỗ trợ giữa hải quân và lục quân được thường xuyên theo dõi và điều chỉnh. Cùng với các hoạt động quân sự ngoài mặt trận là việc tổ chức tiếp tế súng đạn, phương tiện chiến tranh và các hoạt động cứu thương được tổ chức tốt hơn đã có ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ quá trình chiến dịch.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_giải_phóng_Taman http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/10.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/11.html http://militera.lib.ru/h/badanin_bv/12.html http://militera.lib.ru/h/gorshkov_sg/07.html http://militera.lib.ru/h/kirin/07.html http://militera.lib.ru/h/koltunov_solovyev/07.html http://militera.lib.ru/memo/russian/grechko_aa_1/0... http://militera.lib.ru/memo/russian/holostyakov_gn... http://militera.lib.ru/memo/russian/laskin_ia2/08.... http://militera.lib.ru/memo/russian/maltsev_ee/07....